Chi tiet tin tức - Sở Khoa học công nghệ

 

Hậu Giang: Sơ kết 03 năm xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025

Ngày 17-01-2024

Kết quả sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số có nhiều tiến bộ, dịch vụ công trực tuyến dần phát huy được hiệu quả. Các ứng dụng chính quyền điện tử, đô thị thông minh triển khai trong thời gian qua đã đi vào vận hành ổn định và mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng tính minh bạch, tính tương tác giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp, được người dân đồng thuận và đánh giá cao.

Cụ thể các kết quả đạt được sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

1. Chuyển đổi, thống nhất nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số

Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt, xác định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số đối với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết với quyết tâm đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh của tỉnh Hậu Giang, với mục tiêu: đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Hậu Giang trở thành địa phương phát triển khá trong khu vực Tây Nam Bộ.

Tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 02-NQ/TU, gắn với việc cụ thể hóa bằng Chương trình số 04/CTr-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính và xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm có kế hoạch triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số của tỉnh đến các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Hoàn thiện thể chế, bảo đảm môi trường pháp lý, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh

- Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có 03 nghị quyết quan trọng về xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý để triển khai thuận lợi trong chuyển đổi số tại địa phương.

- Trong 03 năm, UBND tỉnh ban hành trên 23 quyết định, 28 kế hoạch và 01 chương trình để chỉ đạo, triển khai thực hiện thúc đẩy chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh.

3. Phát triển hạ tầng số

Trung tâm dữ liệu tỉnh đã đầu tư và thuê dịch vụ cung cấp hạ tầng phục vụ vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông vận hành, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số địa phương như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu địa phương (LGSP) với 02 máy chủ ảo; Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử với 16 máy chủ ảo; Ứng dụng di động Hậu Giang với 03 máy chủ ảo; Hệ thống họp không giấy với 02 máy chủ vật lý; Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy với 04 máy chủ ảo. Về mặt lưu trữ, tổng dung lượng lưu trữ đạt gần 29 TB.

Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang được tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt là đầu tư các khu vực vùng sâu, vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đến thời điểm hiện tại hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình và đến 100% cấp xã đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc của người dân trên địa bàn tỉnh.

- Mạng 4G được triển khai 100% các khu vực vùng sâu, vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, triển khai 02 trạm thu, phát sóng thông tin di động (5G) tại Khu công nghiệp Sông Hậu và 01 trạm tại thành phố Vị Thanh. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.070 trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS), mạng thông tin di động phủ sóng 100% dân số. Ngoài ra, theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Hậu Giang đã hỗ trợ 9.041 máy tính bảng cho học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh có phụ huynh mất vì Covid-19 và học sinh thuộc diện khó khăn.

Tỉnh đã xây dựng và triển khai Cổng dữ liệu mở tại địa chỉ: https://data.haugiang.gov.vn, Cổng dữ liệu cung cấp thông tin ngành, lĩnh vực của các sở, ngành trực tuyến trên môi trường mạng; người dân, doanh nghiệp có thể cung cấp dữ liệu để cập nhật vào hệ thống và làm giàu dữ liệu.

4. Hoàn thiện Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số

- Cập nhật, bổ sung, hoàn thiện Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia; tiếp tục thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2020 - 2025.

- Tỉnh đã xây dựng nền tảng kết nối LGSP cấp tỉnh và 06 hệ thống có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng LGSP cấp tỉnh bao gồm: Cổng Dịch vụ công - Hệ thống Một cửa điện tử; Cổng thông tin điện tử tỉnh; Hệ thống Ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang App); Phần mềm Quản lý văn bản; Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh, Hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang (Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), bao gồm 04 dịch vụ: Quản lý văn bản, Dịch vụ công trực tuyến, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh).

5. Xây dựng và phát triển đô thị thông minh

- Nền tảng đô thị thông minh: Hệ thống giám sát đặt tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (hệ thống màn hình ghép và các trang thiết bị phục vụ giám sát, các máy chủ và hệ thống lưu trữ, firewall…)

- Phần mềm giám sát, điều hành tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh với các chức năng: Kết nối, chia sẻ dữ liệu nghiệp vụ với nhau và với các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử; cung cấp các dữ liệu dùng chung, định danh, phân quyền cho các dịch vụ, phần mềm trong hệ thống; cung cấp cơ chế thu thập, phân tích 11 dữ liệu từ các hệ thống, dịch vụ; cung cấp cơ chế bóc tách, phân tích, tổng hợp dữ liệu lớn thành các dữ liệu chuyên ngành; cung cấp dữ liệu mở cho các dịch vụ, hệ thống bên ngoài có thể sử dụng lại dữ liệu của nền tảng và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và quản trị cho nền tảng; Thu thập, chuyển thông tin phản ánh hiện trường, theo dõi kết quả xử lý phản ánh; Thu thập, thống kê, phân loại thông tin viết về Hậu Giang trên Internet;...

6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

- Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) được triển khai cho 34 cơ quan, đơn vị, đã kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng Quốc gia (NCSC) đáp ứng yêu cầu giám sát, chia sẻ thông tin, góp phần đảm bảo an toàn thông tin giúp tỉnh rút ngắn 90% khối lượng và thời gian triển khai mô hình 4 lớp, nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng. Ngoài ra, Tỉnh còn có Hệ thống phòng chống mã độc tập trung được triển khai cho 31 cơ quan, đơn vị với gần 1.500 máy được cài đặt, các thông tin về tình hình lây nhiễm mã độc được truyền liên tục về Sở Thông tin và Truyền thông và Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Tỉnh có 25 hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, trong đó có 16 hệ thống thông tin cấp độ 2 và 09 hệ thống thông tin cấp độ 3. Tất cả các hệ thống đã được phê duyệt hồ sơ cấp độ và phương án ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

7. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số

- Công tác đào tạo, tập huấn tiếp tục được quan tâm, đảm bảo phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh đủ năng lực và trình độ khai thác các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin phục vụ triển khai Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, trong đó đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn phát huy vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Toàn tỉnh có 525 Tổ Công nghệ số cộng đồng với trên 2.863 thành viên, lực lượng này là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số trong Nhân dân.

8. Hình thành Khu công nghệ số, phát triển kinh tế số

Hậu Giang xuất phát điểm thấp, các doanh nghiệp mua bán và dịch vụ công nghệ thông tin trên 50 doanh nghiệp, doanh thu chiếm tỷ trọng thấp so với mức tăng trưởng của tỉnh. Về doanh nghiệp công nghệ số hầu như không có (ngoại trừ các tập đoàn VNPT, Viettel, FPT…); tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP như sau: năm 2020 là 6,03%; năm 2021 là 6,16%; năm 2022 là 5,70.

9. Hiện đại hóa truyền thanh và các hình thức tuyên truyền

- Hệ thống truyền thanh cơ sở với hơn 3.500 loa truyền thanh, trong đó có 120 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông được đầu tư, đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin người dân. Ngoài hệ thống truyền thanh, các đơn vị còn ứng dụng các mạng xã hội (zalo, facebook, ...), mạng viễn thông, Ứng dụng di động tỉnh Hậu Giang để thông tin, tuyên truyền một cách nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, nhất là trong những tình huống khẩn cấp như phòng, chống dịch bệnh; phòng chống lụt, bão,...

- Các cơ quan báo, đài có rất nhiều tin bài tuyên truyền về chuyển đổi số, chỉ riêng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trong 03 năm qua đã thực hiện 734 tin, bài, 216 phóng sự, phỏng vấn về chuyển đổi số. Nổi bật tuyên truyền Tuần lễ thúc đẩy Chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022, Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023, Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 và năm 2023 đến với đông đảo bạn đọc và người xem.

Ngoài ra, sau 3 năm chuyển đổi số đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận trên một số ngành, lĩnh vực về giáo dục và đào tạo, y tế, nông nghiệp và tài nguyên và môi trường.

 Tỉnh đang xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh./.

Trần Thanh


Đang online: 1
Hôm nay: 32
Đã truy cập: 2885217
You do not have the roles required to access this portlet.