Chi tiet tin tức - Sở Khoa học công nghệ

 

Vận động người Việt dùng hàng Việt trong thời kỳ bình thường mới

Ngày 20-05-2022

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa; xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Nếu mỗi người dân, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều quan tâm ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam sẽ đem lại lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp và cả người tiêu dùng về trước mắt cũng như lâu dài góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Ngày càng nhiều người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Đối với các doanh nghiệp, cuộc vận động đã góp phần khích lệ, động viên doanh nghiệp đổi mới, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm hàng hóa chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong bối cảnh các quốc gia không ngừng hội nhập và một thế giới đang phục hồi sau đại dịch Covid, việc đương đầu với những biến động là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp để duy trì và phát triển. Đặc biệt là đối phó với các khủng hoảng và giải quyết thách thức để duy trì chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Các phương thức vận hành chuỗi cung ứng trong quá khứ đã không thể đáp ứng vận hành một cách tối ưu ở bối cảnh hiện tại. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong hình thành mạng lưới chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa, mở rộng thị trường được đẩy mạnh như: Phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về khu công nghiệp; chương trình bán hàng Việt khuyến mại… 

Người tiêu dùng Việt đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; hàng hóa, sản phẩm do Việt Nam sản xuất có tỷ lệ tiêu thụ ngày càng tăng; sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm đảm bảo chất lượng và tốt cho sức khỏe. Dịch bệnh Covid-19 đã để lại nhiều thay đổi trong thói quen và hành vi của người tiêu dùng cũng như tạo ra những xu hướng mới, từ việc chủ động mua sắm những sản phẩm an toàn cho sức khỏe cho đến việc trữ nguồn thức ăn thiết yếu tại nhà. Khi người tiêu dùng tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm thì một thương hiệu quen thuộc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín là cách nhanh nhất để chạm đến nhu cầu này.

Các siêu thị (Co.opmart, VinMart, Bách Hóa Xanh), đại lý, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, cửa hàng tạp hóa, các chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ tại địa Phương và các tỉnh thành khác của Việt Nam được trưng bày rất phong phú với hình thức đa dạng, chiếm ưu thế trên kệ trưng bày, nhờ đó, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến lựa chọn và mua sắm. Người tiêu dùng đều rất hài lòng và yên tâm với chất lượng, giá cả các sản phẩm mang thương hiệu Việt đa dạng về mẫu mã, chất lượng đẹp và giá cả hợp lý.  Trong đó các sản phẩm được ưa chuộng vẫn thuộc về nhóm sản phẩm gia dụng, may mặc, lương thực, thực phẩm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách thúc  đẩy  sản  xuất, kinh  doanh, xây  dựng  và  bảo  vệ thương hiệu  sản  phẩm,  bảo  vệ quyền lợi doanh  nghiệp và người tiêu dùng,  vì  mục  tiêu phát  triển  kinh tế - xã hội bền vững; tạo nên làn sóng dùng hàng nội, thay đổi xu hướng lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian đến, các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tiếp tục quán triệt và tăng cường tuyên truyền Kết luận số107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc  vận động “Người  Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày  26/10/2021  của  Thủtướng  Chính  phủ về tăng cường  thực  hiện  Cuộc  vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới (Chỉ thị số28/CT-TTg),  Quyết  định  số 386/QĐ-TTg  ngày  17/3/2021  của  Thủ tướng Chính phủvề phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người  Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn  2021-2025. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, hải đảo; xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù của địa phương để người tiêu dùng lựa chọn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo lòng tin và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Để Cuộc vận động ngày càng hiệu quả, cần có sự chung tay hành động của cả Nhà nước, người tiêu dùngdoanh nghiệp. 

Theo đó, yêu cầu đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là tiếp tục quán triệt các nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản của Cuộc vận động, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội cần phát huy rõ nét vai trò đại diện và là cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Thúc đẩy các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xây dựng, đăng ký và công bố thương hiệu sản phẩm. 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quy trình sản xuất, kinh doanh, nhất là bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống, phù hợp với diễn biến của đại dịch COVID-19. Cùng với đó, đa dạng hóa phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp. Đối với các doanh nghiệp phải nỗ lực tối đa để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo thêm tiện ích cho người tiêu dùng, hạ giá thành, thường xuyên cung cấp thông tin trung thực đến khách hàng, đồng thời lắng nghe để hiểu nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và có chính sách phục vụ ngày càng tốt hơn. Xây dựng công cụ hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng; chủ động biến trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường./.

                                                          Thùy Dung (Chi cục TCĐLCL Hậu Giang)


Đang online: 1
Hôm nay: 3484
Đã truy cập: 2325229
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.