Canh tác nông nghiệp an toàn, bền vững hướng đến môi trường đang là xu hướng sản xuất chung của nền nông nghiệp hiện đại. Việc ứng dụng các giải pháp vi sinh, các biện pháp ứng dựng sinh học trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh và ứng dụng rộng rãi. Vừa qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ Hậu Giang phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Nông tổ chức tập huấn chuyên đề “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sâu bệnh hại và dinh dưỡng cây bưởi Da xanh theo hướng VietGAP” cho nông hộ trong và ngoài dự án trên địa bàn huyện Long Mỹ.
Quang cảnh lớp tập huấn
Lớp tập huấn là một trong những chuỗi nội dung hoạt động thuộc dự án “Xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng trái bưởi Da xanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang chủ trì.
Buổi tập huấn với sự tham dự của gần 40 đại biểu là cán bộ kỹ thuật địa phương, nông hộ trồng bưởi Da xanh trên địa bàn huyện.
Qua tập huấn nông hộ được trang bị kiến thức cơ bản về việc ứng dụng các giải pháp vi sinh vào canh tác cây bưởi Da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng chế phẩm nấm xanh, nấm tím trong việc quản lý sâu bệnh hại; Ứng dụng chế phẩm hòa tan lân cố định đạm trong việc quản lý dinh dưỡng cây bưởi Da xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng canh tác.
Nông hộ thảo luận, trao đổi tại buổi tập huấn
Mô hình canh tác bưởi Da xanh theo Tiêu chuẩn VietGAP sau 24 tháng xây dựng mô hình tại huyện Long Mỹ
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã tổ chức được 13/24 cuộc tập huấn, ban hành danh mục hồ sơ theo Tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn nông hộ trong dự án áp dụng Quy trình sản xuất theo TC VietGAP. Dự kiến đến cuối tháng 12 năm 2023 tổ chức đánh giá chứng nhận VietGAP với quy mô sản xuất ước đạt 32 ha trên địa bàn 04 huyện của tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Trân