Những năm gần đây, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn áp dụng mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, kết hợp không chất thải vào quá trình sản xuất vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra các nông sản an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Anh Trung xây mít làm thức ăn cho đàn dê gần 100 con của HTX
Chuồng dê gần 100 con, vừa được HTX nông nghiệp Chín Em Ba ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp đưa vào nuôi thử nghiệm để tận dụng nguồn mít non, mít dạt của HTX để làm thức ăn chính cho dê. Theo HTX, Dê thường được nuôi bằng thức ăn công nghiệp chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận sẽ giảm, nhưng khi sử dụng nguồn mít non, mít dạt sẽ giảm được chi phí thức ăn, vừa hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường từ mít trái bỏ đi. Anh Võ Thanh Trung, xã viên HTX Chín Em Ba, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Vùng đất Long Thạnh là vùng mít thái nên nguồn mít phế phẩm rất nhiều, nếu bỏ đi rất là phí nên HTX đã tận dụng để làm thức ăn cho dê. Nếu một con dê nuôi bằng thức ăn tốn chi phí khoảng một triệu thì khi sử dụng mít làm thức ăn chi phí chưa đến 200 ngàn đồng. Sử dụng mít làm thức ăn, dê vẫn phát triển tốt, ít bệnh”.
Với 26ha trồng sầu riêng và mít, với cách làm xoay vòng, sử dụng nguồn mít non, mít dạt làm thức ăn cho dê, sau đó lấy phân dê đem ủ bón lại cho vườn cây đã giúp cho HTX tiết giảm được 20%-30% chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào. Anh Trung cho biết thêm: “HTX lấy nguồn mít phế phẩm cho dê ăn rồi lấy phân dê kết hợp trấu và men vi sinh đem ủ rồi bón lại cho vườn cây để giảm chi phí. Chứ hiện nay phân bón, thức ăn chăn nuôi đều tăng giá mạnh nếu cái gì cũng mua thì lợi nhuận sẽ bị giảm. Còn làm theo cách này thì được hai ba thứ, một là có lượng phân bón cho cây, thứ hai là lợi nhuận sẽ cao hơn”.
Ngoài HTX Chín Em Ba, hiện nay huyện phụng Hiệp có khoảng 200 mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, tuần hoàn một phần và sản xuất kết hợp theo hướng VAC, VAC kết hợp hay trang trại khép kín. Tất cả đều hoạt động theo phương thức phế phẩm của mô hình này quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho mô hình khác. Vừa bổ trợ cho nhau, vừa giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường và giảm thiểu được chi phí đầu tư góp phần nâng cao thu nhập. Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Chủ nông trại NT Phụng Hiệp, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Hiện nay nông trại đã phát triển được 6 lĩnh vực gồm: Điện năng lượng mặt trời, Trồng nấm, nuôi trùn quế, nuôi cá, nuôi gà vịt, nuôi bò. Tất cả đều có sự bổ trợ cho nhau. Góp phần tạo sản phẩm chất lượng với giá thành thấp cho người tiêu dùng”.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: “Thời gian qua huyện Phụng Hiệp cũng tổ chức tuyên truyền để người dân từng bước thay đổi nhận thức và quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn khép kín. Để từ đó, sẽ đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào mô hình sản xuất. Tùy vào quy mô và điều kiện phát triển, ngành nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ cho nông dân nâng chất những mô hình sản xuất theo hướng kết hợp theo hướng tuần hoàn hoặc tuần hoàn một phần. Bởi đây là cách làm đã được chứng minh là có hiệu quả, vừa kết hợp giữa yếu tố truyền thống và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng với giá thành thấp và ít rủi ro cho môi trường”.
Hiện nay chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tỷ lệ nghịch với đầu ra là nguyên nhân chính làm cho lợi nhuận giảm. Chính vì thế sản xuất theo hướng tuần hoàn đang cho thấy những ưu điểm về việc giảm được giá thành sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và bảo vệ tốt hơn cho môi trường sống./.
Bài, ảnh: Duy Khánh