Những năm qua, công tác sở hữu trí tuệ (SHTT) và các hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nền tảng SHTT giúp doanh nghiệp tiến hành các hoạt động ĐMST để thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới
Nền tảng sở hữu trí tuệ
Theo Luật SHTT được ban hành năm 2019, quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Bảo hộ quyền SHTT là một việc làm rất cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đối với sản phẩm do mình tạo ra. Hoạt động này ngày càng được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh quan tâm, bảo hộ, chủ yếu là quyền sở hữu công nghiệp. Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 66 Triển khai, thực hiện “Chiến lược SHTT trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030”. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đưa: “SHTT thực sự trở thành động lực tăng trưởng, thúc đẩy ĐMST, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tạo chuyển biến trong nhận thức về SHTT của các chủ thể nhằm hướng tới hình thành văn hóa SHTT trên địa bàn tỉnh”.
Hoạt động quản lý chuyên ngành về SHTT được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều năm qua. Trong quý I năm 2022, sở đã hướng dẫn 3 cơ sở đăng ký sở hữu công nghiệp. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã chấp nhận 14 đơn và cấp 8 văn bằng về các quyền SHTT cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Quyết định số 2548 ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tạo dựng hình ảnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, sở đã tiến hành các hoạt động bảo hộ quyền SHTT cho các biểu tượng, biểu trưng, hình ảnh, thương hiệu riêng của tỉnh.
Hợp tác xã Nông nghiệp Hiếu Lực, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, là một trong 3 cơ sở được hướng dẫn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp từ đầu năm đến nay. Thương hiệu được đăng ký bảo hộ là gạo thơm Hương quê, một trong ba sản phẩm chủ lực của hợp tác xã, đang được sản xuất và kinh doanh trên thị trường. Ông Đặng Quốc Lực, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: “Gạo thơm Hương quê được chúng tôi làm ra với mong muốn tạo một sản phẩm đặc trưng không chỉ của riêng hợp tác xã, mà còn là một thương hiệu nổi bật của tỉnh. Việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp giúp chúng tôi khẳng định quyền làm chủ sản phẩm để phát triển hơn trong tương lai”. Dự kiến tới đây, hợp tác xã sẽ đưa gạo thơm Hương quê tham gia chương trình OCOP, đồng thời, xây dựng thêm nhà máy, kho bãi để mở rộng sản xuất.
Có thể thấy, quyền SHTT là điều kiện cần thiết, quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, là đòn bẫy thúc đẩy sự phát triển của hoạt động ĐMST trên địa bàn tỉnh.
Tập trung cho đổi mới sáng tạo
Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Ở một khía cạnh khác, đổi mới sáng tạo được hiểu là quy trình biến một ý tưởng hoặc phát minh thành hàng hóa hoặc dịch vụ tạo ra giá trị hoặc các khách hàng sẽ trả tiền cho hàng hóa/dịch vụ đó. Sáng tạo là điểm khởi đầu cho quá trình đổi mới, còn đổi mới là quá trình chuyển hoá, thay đổi của doanh nghiệp từ các ý tưởng, sáng tạo của người lao động.
Tại Hậu Giang, hoạt động ĐMST thường được gắn liền với khởi nghiệp để khuyến khích người dân khởi nghiệp từ những ý tưởng, mô hình, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới. Sau đó, phát triển thành doanh nghiệp có quy mô và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Tháng 7/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Hoạt động này còn được tỉnh đầu tư, nghiên cứu sâu thông qua việc triển khai đề tài “Đánh giá tiềm năng khởi nghiệp ĐMST ở Hậu Giang: Hiện trạng và giải pháp đến năm 2030”, là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã được nghiệm thu trong năm 2021. Đề tài đã nghiên cứu cụ thể thực trạng và đưa ra định hướng cho hoạt động khởi nghiệp, ĐMST trên địa bàn tỉnh.
Phát triển khoa học, công nghệ gắn với ĐMST là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh giai đoạn tới. Trong đó, dự án Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ ĐMST do Công ty TNHH Một thành viên Ươm tạo LV làm chủ đầu tư, sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng. Dự án có tổng diện tích khoảng 4,8 ha, được đặt trong khuôn viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang. Bên cạnh đó, tỉnh còn đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng Khu thực nghiệm, bảo tồn nguồn gen và ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Đây sẽ là những nơi đào tạo, hỗ trợ một cách bài bản cho hoạt động ĐMST của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Treo băng rôn tại Sở KH&CN hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới và Ngày SHTT thế giới năm 2022
Theo bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: “Để tăng cường và phát triển hoạt động ĐMST trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đổi mới cơ chế, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ và ĐMST. Xây dựng và phát triển hệ thống các trung tâm, khu ĐMST. Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và ĐMST. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST trong doanh nghiệp. Chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế và tăng cường tôn vinh, truyền thông để nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ và ĐMST tại tỉnh”.
Với nền tảng từ sự quan tâm, bảo hộ các quyền SHTT và sự trợ lực ngày càng nhiều của tỉnh, hoạt động ĐMST hứa hẹn sẽ sớm khởi sắc, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Ngày 21/4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày ĐMST thế giới và ngày 26/4 hằng năm được Tổ chức SHTT thế giới chọn làm Ngày SHTT thế giới. Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch Tổ chức hưởng ứng Ngày ĐMST thế giới và Ngày SHTT thế giới với khẩu hiệu “Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của SHTT và ĐMST trong phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.
Tại Hậu Giang, để hưởng ứng các ngày kỷ niệm này, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về SHTT, ĐMST trên Website Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang, Báo Hậu Giang, Đài Phát Thanh - Truyền hình Hậu Giang, Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam. Đồng thời, tiến hành treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng từ ngày 19 đến ngày 28/4. Ở cấp huyện cũng sẽ tiến hành các hoạt động tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương./.
Bài, ảnh: ĐANG THƯ