Chi tiet tin tức - Sở Khoa học công nghệ

 

Hậu Giang: Chuyển đổi số năm 2023

Ngày 02-02-2023

Năm 2022, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang năm 2022. Theo đó, Hậu Giang thống nhất chọn Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10 hằng năm) làm Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang.

Trong năm 2022, Hậu Giang đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Tổ chức phát động chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh đó, tổ chức ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm, dịch vụ số: Tổ chức các buổi hướng dẫn người dân (nhất là đối với lực lượng học sinh trung học cơ sở trở lên) cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (tạo tài khoản, thanh toán trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến); kỹ năng sử dụng nền tảng (ứng dụng di động Hậu Giang, chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt), các kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử như đóng gói, hoàn thiện đơn vận, chụp ảnh, livestream, quảng bá sản phẩm trên môi trường số, thanh toán số.

Nhân rộng mô hình chuyển đổi số trường học: Triển khai xây dựng kho học liệu số (bài giảng Eleaming; ngân hàng đề...); tổ chức khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung gồm bài giảng điện tử, ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học; lựa chọn nền tảng dạy học trực tuyến, tổ chức triển khai dạy và học trực tuyến; triển khai phần mềm quản lý văn bản cho trường học; tiếp tục hiệu quả phần mềm quản lý trường học; triển khai ứng dụng hỗ trợ nộp học phí không dùng tiền mặt; triển khai điểm danh điện tử; triển khai hệ thống kỹ thuật giám sát truy cập Internet tại trường học; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng cơ bản cho giáo viên, học sinh sử dụng mạng an toàn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Tuần lễ Thúc đẩy Chuyển đổi số Phát triển Kinh tế vùng - Hậu Giang 2022 thu hút hơn 1.200 lượt khách tham dự, từ 32 tỉnh, thành phố và hơn 200 doanh nghiệp, hội, hiệp hội từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trình bày và phát biểu tại các phiên Hội thảo với hơn 30 chuyên gia, diễn giả hàng đầu về chuyển đổi số, bao gồm: lãnh đạo Bộ ngành trung ương; lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; các Hiệp hội, Hội ngành nghề; các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, TP.HCM và các tỉnh thành; cùng đại diện lãnh đạo và phóng viên các cơ quan truyền thông, báo chí trung ương và địa phương và hơn 50 cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Triển lãm 27 gian hàng thu hút 1.200 lượt người tham quan, tìm hiểu thông tin, trải nghiệm giải pháp.

Về tổ chức các phiên Hội thảo: Đã tổ chức 3 phiên Hội thảo, mỗi phiên đã thu hút từ 150 đến 500 đại biểu tham dự, với 40 bài trình bày tham luận, phát biểu ý kiến và các ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận.

Về Hạ tầng số, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có kết nối Internet và mạng nội bộ (LAN). 100% cán bộ, công chức (CBCC) tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được trang bị máy tính; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước tại Hậu Giang đã triển khai đến các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã được sử dụng để đảm bảo hoạt động của Trung tâm Dữ liệu, Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến và các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2020, bước đầu có những kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện hạ tầng cho Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, cung cấp thông tin trực quan về hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng của Tỉnh, hỗ trợ cho các cơ quan chức năng,

Hệ thống Giám sát an toàn an ninh thông tin mạng (SOC): Trong 11 tháng đầu năm 2022 hệ thống đã ghi nhận 4.226.184 cảnh báo an toàn thông tin. Trong đó có 01 cảnh báo nhiễm mã độc mức độ nghiêm trọng, Trung tâm IOC đã thông báo với đơn vị phát sinh cảnh báo là Văn phòng Tỉnh ủy, kết quả xử lý đã khắc phục được máy tính nhiễm mã độc.

Hệ thống Giám sát trung tâm báo chí và truyền thông: Từ ngày 01/01/2022 đến 30/11/2022 hệ thống giám sát trung tâm báo chí và truyền thông ghi nhận có 67.212tin bài đưa tin về Hậu Giang được đăng tải trên Internet, trong đó: Tin tích cực: 7.955 chiếm 11,8%; Tin tiêu cực: 2.432 chiếm 3,6%; Tin trung lập: 56.819 chiếm 84,6%.

Hệ thống phản ánh hiện trường (Hau Giang App): Tổng số phản ánh tiếp nhận trong 11 tháng đầu năm 2022 là 1.318, trong đó: Số phản ánh được xử lý: 836 phản ánh (phản ánh đã hoàn thành xử lý: 833 phản ánh (99,6%); phản ánh chưa hoàn thành xử lý: 03 phản ánh (0,4%)). Số phản ánh không được xử lý: 482 phản ánh (do phản ánh có nội dung không rõ ràng, thông tin liên hệ không chính xác).

Hệ thống giám sát giao thông (Camera an ninh): có 22/61 camera đang hoạt động.

Triển khai ứng dụng Nền tảng quản trị tổng thể nhằm hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Kết quả, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, từ cấp tỉnh đến cấp xã, đang sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành - là nền tảng quản trị công việc tổng thể thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh (10.000 tài khoản cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã). Nền tảng cho phép người sử dụng đăng nhập một lần (Single Sign On), trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ các chức năng: Gửi/nhận thư điện tử công vụ (@haugiang.gov.vn); Gửi/nhận/xử lý văn bản điện tử có ký số; Tra cứu lịch làm việc; Đôn đốc, giao việc, nhắc việc đến từng cơ quan, đơn vị, cá nhân; Chia sẻ tệp tin và các chức năng khác hỗ trợ công vụ.

Với những kết quả đạt được, năm 2023, về Hạ tầng số, tiếp tục duy trì thuê, mở rộng hạ tầng điện toán đám mây đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho các ứng dụng dùng chung của tỉnh (Cổng dịch vụ công, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Thư điện tử công vụ, Cổng thông tin điện tử, hệ thống họp trực tuyến 02 chiều và các ứng dụng chuyên ngành khác); Thực hiện chuyển Ipv6 cho toàn bộ hệ thống dùng chung của tỉnh.

Về Dữ liệu số, thực hiện kết nối đồng bộ, thống nhất với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã triển khai của tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu do các Bộ, ngành, Trung ương triển khai bảo đảm kết nối, chia sẻ và liên thông các cấp thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đồng thời tuân thủ theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh (phiên bản 2.0), các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các văn bản hướng dẫn khác của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về nền tảng số, tiếp tục phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành: Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản, Thư điện tử công vụ, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng thông tin điện tử, Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội, Hệ thống họp trực tuyến, Hậu Giang app, phòng họp không giấy và các hệ thống khác; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp: Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến để cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần, dịch vụ công trực tuyến toàn trình phục vụ người dân và doanh nghiệp, thanh toán không dùng tiền mặt.

Về nhân lực số, tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho CBCCVC và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các khóa đào tạo cho đội ngũ chuyển đổi số, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng.

Về Chính quyền số, năm 2023 Hậu Giang đặt ra một số nhiệm vụ cần phải thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra: a) 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); b) 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của Tỉnh; 100% báo cáo Chính phủ định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; c) Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 80%; d) Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; đ) Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ của cơ quan nhà nước đạt từ 90% trở lên./.

Ngọc Triều


Đang online: 3
Hôm nay: 661
Đã truy cập: 2297492
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.